Trong quá trình hình thành và phát triển, người dân An Biên đã phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, nhiều chiến công được ghi dấu như giải phóng hoàn toàn huyện An Biên (ngày 25/4/1954), chiến thắng Xẻo Rô (ngày 30/10/1959),… Huyện An Biên ngày nay, với đặc thù là vùng “miệt thứ”, có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, phát triển đa dạng sản phẩm nông- công nghiệp; và từ vị trí địa lý, dễ dàng là điểm dừng chân hay kết nối tour- tuyến du lịch, nên An Biên cũng là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển gắn với du lịch.
Huyện An Biên hiện nay có vị trí khá quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng; nằm trên Quốc lộ 63 - là cửa ngõ của vùng U Minh Thượng (một trong 04 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh), đây cũng là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Kiên Giang - Cà Mau; huyện có tỉnh lộ 964 đi qua. Đường thủy, có nhiều kênh rạch và tiếp giáp bờ biển dài 21km và vành đai rừng phòng hộ ven biển với khoảng 1.000ha, có trên 7.000ha mặt nước đất bãi bồi ven biển với hệ sinh thái rừng ngập mặn có hệ động thực vật phong phú, nhiều sản phẩm, mô hình phát triển nông nghiệp, thủy- hải sản có hiệu quả kinh tế cao; huyện có 04 xã nằm ven sông Cái Lớn, là nơi giao nhau của “siêu cống” Cái Lớn.
Trong quá trình hình thành, phát triển, vùng đất An Biên cũng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống, các loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm rất đa dạng, phong phú. Con người - vùng đất An Biên cũng đã tô đậm thêm trang sử hào hùng của dân tộc khi là nơi tuyên bố thành lập chính quyền Cách mạng quận An Biên; nơi ghi dấu Chiến thắng vàm Bàu Môn; Chiến thắng, tiêu diệt chi khu Kiên An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cách mạng… Có thể nói, từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và các yếu tố như đã nêu trên đều là tài nguyên nếu được quan tâm đầu tư, khai thác đúng hướng. Để phát huy lợi thế, tiềm năng đó, xin gợi mở một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế biển gắn với phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay:
Thứ nhất, An Biên cần tiếp tục cụ thể hóa thực hiện tốt các giải pháp tại: (1) Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/11/2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang đến 2020 và định hướng đến năm; (2) Chương trình hành động số 47-CTr/TU ngày 21/02/2019 thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong điều kiện thực tế của huyện phù hợp với tình hình phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh, từ đó huyện An Biên cần có tầm nhìn dài hạn, xác định trọng tâm, trọng điểm trong đầu tư các dự án du lịch và dịch vụ biển phải theo hướng nuôi biển. Thông thoáng, linh hoạt trong thực hiện các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, khai thác du lịch; quan tâm hỗ trợ để người dân được tiếp cận vốn đầu tư hạ tầng các điểm du lịch ở nông thôn, vì loại hình này chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao. Quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đảm bảo dòng xe từ trên 20 chỗ ngồi lưu thông thuận lợi đến các điểm đến; vận động tổ chức, cá nhân đầu tư phương tiện thủy bảo đảm an toàn, vừa để kết nối chuyển tải, vừa để du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch liên quan đến sông nước, biển, đảo. Từng bước xây dựng đồng bộ việc phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, như các dịch vụ thiết yếu phục vụ du khách về ăn, nghỉ, giải trí,…
Thứ hai, cần tạo được điểm nhấn về văn hóa - du lịch. Nghiên cứu từ lịch sử hình thành - phát triển để đầu tư, xây dựng không gian du lịch phù hợp; xây dựng hình ảnh, những công trình công cộng, công trình ghi dấu riêng, độc đáo để thu hút du khách, như: Tượng đài Chiến thắng An Biên gắn với công trình văn hóa tiêu biểu của huyện; Di tích nơi thành lập chính quyền cách mạng quận An Biên; nơi tập hợp lực lượng nghĩa quân Nguyễn Trung Trực chống Pháp; Bia Chiến công tiêu diệt tiểu đoàn Thần Hổ... Sưu tầm, biên tập tài liệu lịch sử, các giai thoại, ghi nhận những chiến công của quân - dân An Biên trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương; những nhân vật nổi tiếng, như nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Nam bộ Sơn Nam (Phạm Sào Nam, Phạm Minh Tày); nhà thơ, ký giả, soạn giả cải lương Kiên Giang (Hà Huy Hà, Trương Khương Trinh)... Ngoài ra, cần tăng cường quảng bá để thu hút khách du lịch quan tâm, khám phá tìm hiểu về hình ảnh đất và người An Biên.
Thứ ba, khảo sát nhu cầu của du khách để phát triển các sản phẩm du lịch khác biệt, phù hợp, nhất là kết hợp việc tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa, tham gia các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo- tín ngưỡng của các dân tộc trên địa bàn huyện; tham quan - khám phá “Siêu cống” Cái Lớn, gắn với ký ức về Bến phà Xẻo Rô, Công trình ngăn mặn Xẻo Rô, các công trình bảo vệ bờ biển; mua sắm tại Chợ Thứ Ba, Thứ Bảy, hay các điểm sản xuất sản phẩm OCOP; trải nghiệm “Làng nổi An Biên”, các nghề truyền thống như dệt chiếu (5 Chùa - xã Nam Thái), nghề làm khô, mắm; gắn với các hoạt động sống của người dân, như tham gia bắt vọp, sò huyết, tôm, cua, câu cá biển và du khách tự tay chế biến, thưởng thức dưới những tán rừng ngập mặn cùng với những giai điệu đờn ca tài tử,…
Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm mới với các huyện như: huyện U Minh Thượng (vườn quốc gia và các di tích lịch sử - văn hóa), huyện Châu Thành (khu trồng khóm Tắc Cậu; cống Cái Lớn - Cái Bé); hay với Rạch Giá, Kiên Hải bằng phương tiện giao thông thủy… Đồng thời, nghiên cứu tạo điều kiện phát huy các sản phẩm du lịch tự phát, như tour du lịch sinh thái bằng tàu từ Rạch Giá qua “Làng nổi An Biên” (trại nuôi sò xã Tây yên, Nam Yên).
Thứ tư, từng bước xây dựng nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa - xây dựng ý thức của người dân trong phát triển - khai thác du lịch xanh - bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các sản phẩm du lịch, đặc sản của huyện. Tăng cường mời gọi, khuyến khích các đơn vị lữ hành khảo sát điểm đến, đưa khách đến, hay chọn An Biên là điểm dừng chân trong lộ trình du lịch của đoàn. Thực hiện tốt việc giám sát niêm yết giá, xây dựng “thương hiệu minh bạch”, lan tỏa lòng tin trong du khách… tạo lập hình ảnh “Đất và Người An Biên hài hòa, thân thiện, hiếu khách”.
Phát triển kinh tế biển gắn với du lịch có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, đây là những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện của tỉnh Kiên Giang, trong đó có huyện An Biên. Trong bối cảnh đó, để đánh thức tiềm năng, lợi thế hiện có, cùng với những đề xuất trên, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân huyện An Biên và ngành du lịch của tỉnh cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm có giá trị khác biệt nhằm kích cầu du lịch, mở ra hướng phát triển mới để du lịch sẽ góp vai trò quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện An Biên trong thời gian tới./.